Pages

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Yêu thương và tự do

“Yêu thương và tự do” là cuốn sách kinh điển gồm những ghi chép và diễn giảng về phương pháp giáo dục mầm non của Tôn Thụy Tuyết. Hàng nghìn hàng vạn phụ huynh nhờ cuốn sách này đã thay đổi hoàn toàn, “tâm hồn bị chấn động, cảm động mà day dứt”, từ đó học được cách yêu thương chân chính, cách giáo dục chân chính. Hàng nghìn hàng vạn trẻ em nhờ cuốn sách này mà phát triển mạnh khỏe, vui sướng, trở thành một lớp người mới có trí lực dồi dào, tâm lý mạnh mẽ, có phẩm chất tự tôn, giàu sức sáng tạo.


Điều gì làm nên sức hấp dẫn của “Yêu thương và tự do”? Điều gì đã khiến “Yêu thương và tự do” mang lại sự thay đổi to lớn cho nhiều gia đình và trẻ nhỏ đến vậy? Chính nhờ vào nền tảng của phương pháp giáo dục nổi tiếng toàn cầu Montessori, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm của Tôn Thụy Tuyết trong lĩnh vực giáo dục mầm non và được chắp bút bằng tình yêu thương con trẻ vô hạn của tác giả.

Sách gồm 22 chương, nội dung dựa trên những quan điểm và nguyên tắc giáo dục chính của nữ bác sĩ Maria Montessori - người đề xướng phương pháp giáo dục trẻ thơ Montessori hiện được áp dụng trên khắp thế giới. Theo đó, trẻ em được đặt trong mối quan hệ tương tác với người lớn và môi trường. Nền tảng của phương pháp này là yêu thương, tự do, nguyên tắc, bình đẳng.
Bằng những ví dụ cụ thể, cuốn sách chỉ cho người đọc thấy những sai lầm trong giáo dục con trẻ đã gây nên những hậu quả gì, phương pháp đúng đắn nên ra sao, như một chỉ dẫn hữu ích cho các bậc làm cha mẹ.
Điều cốt lõi mà cuốn sách chuyển tải là: “Yêu con, hãy để con được tự lập. Yêu con, hãy để con có được sự tự tôn. Yêu con, hãy cho con đầy ắp tinh thần khám phá thế giới này. Nếu bạn yêu con, hãy để cho con được phát triển theo yêu cầu cuộc sống của chính bản thân chúng”.

 Trích đoạn Chương 9 - Yêu thương và Tự do

Rất nhiều những người làm cha làm mẹ có một ngộ nhận thế này: Mẹ càng yêu con, con càng quấn mẹ. Tôi thì lại có cách nghĩ khác: Bố mẹ càng yêu con, con càng không quấn bố mẹ. Bởi vì rất nhiều kinh nghiệm mách bảo trẻ rằng, bố mẹ rất yêu chúng. Kinh nghiệm này cũng đồng thời nói với con rằng, bố mẹ chỉ tạm thời đi vắng. Những hành vi yêu thương bền bỉ của bố mẹ khiến con trẻ tự nhận ra rằng, cho dù bố mẹ có ở đâu, tình yêu ấy cũng là bất biến và không thay đổi. Vì thế khi ở trong những môi trường lạ, con trẻ dễ có được cảm giác an toàn, nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh và dễ dàng rút ra những kinh nghiệm cho bản thân mình. Không ai có thể dạy trẻ những điều này. Nguyên nhân là vì con trẻ đã xây dựng được cho mình một cảm giác an toàn, có được cơ sở này, trẻ cũng dễ dàng có được cảm giác an toàn khi ở cạnh những người khác. Con trẻ trong những gia đình chưa thực sự biết cách yêu con, thì hay xảy ra tình trạng: Mẹ vừa đi khỏi, trẻ đã khóc òa lên, thậm chí trẻ có thể mang “sự thiếu thốn tình cảm này” ra để gây sức ép ở bất cứ đâu, cũng chính là một cách tìm kiếm sự yêu thương ở khắp mọi nơi, lấy lòng người khác, hoặc là hoàn toàn khép kín bản thân mình, cự tuyệt mọi tình yêu.

(…)

Vậy cha mẹ nên yêu con thế nào? Gần nhà tôi có một bé  gái 3 tuổi rất sợ gội đầu, có lúc cháu làm sai việc gì, chỉ cần bảo gội đầu cho cháu, là cháu đã sợ quá mà bỏ chạy, vừa chạy vừa nói: “Lần sau con không làm thế nữa đâu ạ”. Một buổi sáng sớm, tôi đi ngang qua cổng nhà cháu, cháu đang chơi trò gội đầu với một cháu trai 4 tuổi, trong chậu có ít nước, có thể là nước vừa rửa mặt xong nên hơi bẩn. Cháu nói: “Gội đầu nào, gội đầu…”. Vừa nói vừa lấy tay cho nước lên đầu. Cháu trai cũng vui vẻ giúp cháu đổ thêm nước lên đầu, tiếng cười vang khắp cả con ngõ nhỏ.  Tôi nghĩ, đây chính là một cơ hội tốt để cô bé học cách gội đầu và gạt bỏ sự sợ hãi vốn có của mình. Nhưng mẹ cô bé vừa nhìn thấy tình cảnh trên, xông đến lớn tiếng mắng cậu bé: “Sao cháu hư thế!”. Cậu bé bỏ chạy mất, cô bé thấy thế thì òa khóc. Cô bé còn chưa bước ra khỏi niềm vui của việc gội đầu thì đã bị lời trách mắng của mẹ ném xuống vực thẳm của sự sợ hãi. Cháu run rẩy nhìn mẹ, không biết nên làm thế nào. Sau đó mẹ cháu giảng giải với cháu bao nhiêu là đạo lý, nói: “Mẹ yêu con như thế, con muốn gì mẹ cũng đáp ứng, con có muốn ngôi sao trên trời mẹ cũng hái xuống cho con, nhưng con không được làm thế”. Ngôi sao trên trời xa vời quá, cháu chỉ muốn mỗi việc chơi gội đầu mà thôi. Tôi nghĩ, cháu bé nghe mà không hiểu những lời của mẹ, cháu chỉ biết mỗi một việc, đó là sự giận dữ của người mẹ. Thật khó để xác định rằng một người tức giận lại đang thể hiện tình yêu của mình.

Đặt mua sách ngay hôm nay  

1 nhận xét:

Thái Lê nói...

đúng là những món quà ý nghĩa , câu chuyện hay

Đăng nhận xét