Chuyện hoa chuyện quả (1974) - Phạm Hổ
Trẻ con bao giờ cũng tò mò và thích đặt câu hỏi về thế giới xung quanh:
tại sao thế này, tại sao thế khác. Tập sách “Chuyện hoa, chuyện quả” của nhà
văn Phạm Hổ sẽ đưa ra những lời lý giải về nguồn gốc của mọi loài cây mà các em
thường gặp. Mỗi loài cây đều ẩn trong mình một câu chuyện riêng mà Phạm Hổ,
bằng sự nhạy cảm đặc biệt với thiên nhiên và tình yêu dành cho trẻ nhỏ đã nghe
thấy và kể lại.
Tác phẩm được viết
theo lối cổ tích hiện đại, ngắn gọn, súc tích và rất dễ thương. Bằng một giọng
văn nhỏ nhẹ, giản dị, tập sách gồm gần 100 câu chuyện lần lượt giải thích tại
sao quả bưởi lại có con tôm, con tép trong múi, tại sao lại gọi là nhãn lồng,
tại sao lại có hoa huệ, hoa xấu hổ…
Mỗi câu chuyện đều
chứa đựng một triết lý nhân sinh, một thông điệp đạo đức nhẹ nhàng. Tiếp thu
tinh hoa từ chuyện cổ tích Việt Nam, tập truyện của Phạm Hổ ca ngợi lối sống
nhân nghĩa thủy chung, lên án những kẻ bạc tình bạc nghĩa và những thói hư tật
xấu của con người. Tập truyện kích thích trí tưởng tượng của các em nhỏ và nuôi
dưỡng những tình cảm tốt đẹp như tình cảm gia đình, bạn bè, thầy trò, tình yêu
quê hương đất nước…
Búp sen xanh (1980) - Sơn Tùng
"Búp sen
xanh" là tiểu thuyết lịch sử về thời thơ ấu và thời trai trẻ của Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Cuốn sách đã được nhà văn Sơn Tùng ấp ủ từ năm 1948 và đến năm
1980 mới hoàn thành. Đây là một kỳ công đối với nhà văn Sơn Tùng nói riêng vì
nhà văn là thương binh, luôn phải gồng mình chống chọi với bệnh tật trong điều
kiện còn nhiều khó khăn.
Cuốn sách mở đầu vào ngày cậu bé Nguyễn
Sinh Cung ra đời và kết thúc ở thời điểm anh thanh niên Nguyễn Tất Thành chuẩn
bị rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước. Xuyên suốt tác phẩm, hình
tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên chân thật, giản dị và đời thường. Các em
nhỏ khi đọc sách có thể coi cậu bé Nguyễn Sinh Cung là một người bạn cùng trang
lứa với mình đồng thời là một tấm gương để noi theo học hỏi. Cuốn sách cũng lý
giải nguồn gốc hình thành nhân cách và tư tưởng Hồ Chí Minh khi được sinh
trưởng trong một gia đình và quê hương giàu tinh thần yêu nước. Búp sen xanh luôn được đánh giá như một trong những
tác phẩm xuất sắc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất được các bạn nhỏ yêu
thích.
Tuổi thơ dữ dội (1988) - Phùng Quán
Tuổi thơ dữ dội là câu chuyện về một nhóm thiếu niên 13-14
tuổi hoạt động cách mạng trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn
Trần Cao Vân. Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật chính: Mừng, Quỳnh Sơn ca và
Lượm. Mừng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, mẹ đau ốm luôn, lúc đầu xin vào
đội trinh sát chỉ vì muốn hái thuốc cho mẹ. Quỳnh Sơn ca sinh ra trong một gia
đình tư sản giàu có nhưng sẵn sàng rời bỏ gia đình cùng căn biệt thự sang trọng
và cây dương cầm em yêu hơn hết thảy để theo cách mạng. Cha của Lượm là một
chiến sĩ trung kiên, đã hy sinh khi bị tù đày ở Côn Đảo. Lượm rất tự hào về cha
mình và luôn muốn học tập noi gương cha.
Tuổi thơ dữ dội đặt trong bối cảnh chiến tranh vệ quốc ác
liệt, gian khổ và hào hùng. Đây thực sự là một bản anh hùng ca dành cho các em
nhỏ, những người đã chiến đấu và ngã xuống vì tổ quốc, vĩnh viễn trẻ trung ở
lứa tuổi 13-14. Sự trong sạch, bất khuất, kiên cường của các em nhỏ trong
truyện khiến người lớn cũng phải xúc động và cảm phục. Tác phẩm có nhiều nút
thắt, chạm đến mọi cung bậc cao nhất về về cảm xúc: yêu thương, căm giận, tự
hào, hả hê, lo sợ… Đây được coi là một tác phẩm văn học kinh điển dành cho
thiếu nhi Việt Nam.
Kính vạn hoa - Nguyễn Nhật Ánh
Kính vạn hoa là bộ truyện dài 54 tập xoay quanh bộ ba
thân thiết Quý ròm, nhỏ Hạnh và Tiểu Long. Ba người bạn, mỗi người lại có những
tính cách khác nhau, với đủ ưu khuyết điểm: Quý ròm thông minh, tốt bụng nhưng
nhát gan, hấp tấp; nhỏ Hạnh giỏi giang, hiền lành nhưng hậu đậu, vụng vệ; Tiểu
Long khù khờ, chậm chạp nhưng giỏi võ và trượng nghĩa. Mỗi tập là một
chuyến phiêu lưu mới dẫn dắt độc giả vào thế giới học trò trong sáng nghịch
ngợm, rực rỡ màu sắc và nhiều kỷ niệm.
Bộ truyện truyền tải những thông điệp giản
dị về cuộc sống một cách tự nhiên, gần gũi, không lên gân giáo điều mà thường
để độc giả tự rút ra bài học cho chính mình. Giọng văn hóm hỉnh hài hước và
cách xây dựng tình huống truyện bất ngờ đã giúp Kính vạn hoa trở thành sách gối đầu giường của
nhiều thế hệ áo trắng tới trường.
Đây là một trong những tác phẩm thành công
nhất của Nguyễn Nhật Ánh, góp phần tạo nên “thương hiệu” của anh. Năm 2003, bộ
truyện được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì
thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Kính vạn hoa đã được chuyển thể thành bộ phim
truyền hình nhiều tập cùng tên, phát sóng trên Đài truyền hình TP HCM được khán
giả yêu thích và đón nhận.
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (2004) - Nguyễn Ngọc
Thuần
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là những lời tâm sự của một cậu bé 10 tuổi
về thế giới nhỏ bé xung quanh cậu với bố mẹ, những người hàng xóm và bạn bè
thân thương. Câu chuyện chẳng có gì được gọi là biến cố hay những yếu tố giật
gân hồi hộp nhưng vẫn đẹp đẽ và cuốn hút một cách kỳ lạ. Nguyễn Ngọc
Thuần đã trổ một “cửa sổ” giúp độc giả nhìn thấy chất thơ đặc biệt trong những
điều nhỏ bé, bình dị nhất của cuộc sống.
Những câu văn
trong thiên truyện ngắn gọn, giàu nhạc điệu như giọng thủ thỉ tâm tình. Triết
lý của câu chuyện được gửi gắm nhẹ nhàng ngay từ trong nhan đề: có những thứ
không thể thấy được bằng mắt thường mà phải huy động mọi giác quan, phải cảm
nhận bằng cả trái tim mình mới thấy được. Những bài học, những suy ngẫm về cuộc
đời được đan xen trong tác phẩm một cách tự nhiên, giản dị.
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ từng đoạt giải A trong cuộc thi Vận động
sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 2002 do NXB Trẻ và Hội nhà văn TP HCM tổ
chức. Năm 2008, tác phẩm đoạt thêm giải thưởng Peter Pan 2008 dành cho văn học
thiếu nhi thiếu nhi nước ngoài tại Thụy Điển. Cuốn sách được mệnh danh là “Hoàng
tử bé” của Việt Nam.
Để tìm đọc những cuốn sách này, click vào ĐÂY:
HOẶC:
Để tìm sách hay |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét