Pages

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Tôi có quyền hủy hoại bản thân

Đô thị - nơi chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của xã hội, thời đại, nơi hào nhoáng với những ánh đèn rực rỡ, rộn rã với những âm thanh náo nhiệt, khắc khoải với những ánh mắt hy vọng và lắng đọng với biết bao vòng tay trìu mến. Lẩn khuất đâu đó giữa cái bầu không khí đặc những làn khói trắng, và khi màn đêm buông xuống, những tâm hồn cô độc vẫn luôn hướng về nhau trong vô định. Sự sẻ chia, đồng cảm dường như là điều quý giá nhất, khó sở hữu nhất khi mà con người càng ngày cảm nhận rõ ràng hơn cả sự vô cảm của những người xung quanh mình... Tôi có quyền hủy hoại bản thân là một hành trình không mấy dễ dàng để tìm lại những giá trị cơ bản, vốn có của con người; là tiếng nói đồng cảm của tác giả Kim Young Ha trước những vấn đề còn nhức nhối của xã hội và hơn hết, nó kêu gọi sự quan tâm lẫn nhau giữa con người với con người. Với cách kể chuyện duyên dáng và thông minh, Kim Young Ha đã viết nên một cuốn sách về tình yêu và cái chết mang đậm phong cách Seoul thập niên 1990 đầy mê hoặc và say đắm...

Tóm tắt nội dung
Câu chuyện trong Tôi có quyền hủy hoại bản thân được dẫn dắt bởi một người không tên, như một bóng ma ám ảnh theo những cư dân bị tổn thương và lạc lối của cuộc sống đô thị, mời chào họ tìm sự an bình nơi cái chết... C và K trong cuốn tiểu thuyết của Kim Young Ha là hai anh em và cùng đem lòng yêu một cô gái tên Se Yeon - cô gái Hồng Kông từng làm nghề ma nơ canh kỳ lạ, một nữ nghệ sĩ trình diễn chưa một lần cho phép ai được ghi hình. Dòng chảy cuộc đời họ có thể giao nhau, có thể không, nhưng sự tồn tại của họ trong suốt các trang sách này đều hằn lên rất rõ nét một nỗi thống khổ tột cùng...


Bằng chất văn chương mơ màng và mang đậm ngôn ngữ điện ảnh, giọng điệu pha trộn giữa sự gợi tình cùng nét uể oải đặc trưng của đời sống đô thị, Kim Young Ha đã viết về cuộc vật lộn trong vô vọng để tìm kiếm mối liên hệ của từng cá nhân và thế giới nơi họ sống, về nỗi tuyệt vọng dưới hình hài sự chán chường, sự giải thoát được sinh ra từ hủy diệt, về cái chết trở thành một phần của sự sống... Để rồi đến khi tựu hình, Tôi có quyền hủy hoại bản thân thực sự là một cuốn sách hư cấu không mấy dễ đọc, không mấy dễ chịu, nhưng đầy sức ám ảnh với những ai đang kiếm tìm điều gì đó nằm bên ngoài ánh sáng và niềm hân hoan đơn thuần...
Cốt truyện khá đơn giản: một gã hành nghề tư vấn tâm lý kể lại câu chuyện rắc rối tâm thần-tình cảm của một khách hàng của gã. Song, sự chuyển hóa thành ý tưởng đã biến nó thành một câu chuyện phức tạp có thể gọi được là đẹp đẽ, lao một cú ngoặt ghê tay nhưng dẫu sao cũng đã có tiền lệ: gã tư vấn là một kiểu “thiên tài tội lỗi”, với cái tư tưởng kỳ quái - “Thông qua việc này tôi cố gắng biến mình trở nên giống thần thánh hơn. Ở thời đại ngày nay, chỉ có hai con đường trở thành thần thánh: thông qua sáng tạo hoặc là sát nhân” (tr.20). Chỉ cần bỏ đi chữ “hoặc là”. Công việc của nhân vật kể chuyện xưng “Tôi”, theo lời gã, là tìm kiếm những “khách hàng” tuyệt vọng, những người gã nhận thấy họ “không còn nơi nào khác để đi. Họ chẳng cần gặp ai mà cũng chẳng có ai để gặp” (tr.15). Và gã sẽ khơi gợi ở họ cái điều gã gọi là “những khát khao sâu kín”, nói thẳng ra là xung năng chết, vẽ ra cho họ các lựa chọn kiểu cách tự sát, hướng dẫn họ thực hiện từng bước một, và sẽ là kẻ tiễn đưa cuối cùng duy nhất trong phút lâm chung của khách; sau đó “tôi sẽ đi du lịch, và sẽ lấy câu chuyện cùng với vị khách đó làm nguyên liệu để viết lách sau khi đi du lịch về” (tr.20), tức là kết thúc một đoạn hoàn chỉnh trong quá trình “sáng tạo”.

Đó là key-word của câu chuyện này: kẻ sáng tạo trình bày tác phẩm xen kẽ trạng thái sáng tác của gã; khởi đầu câu chuyện bằng ấn tượng về bức họa kinh điển “Cái chết của Marat” của Jacques-Louis David, kết thúc bằng cảm hứng từ một chi tiết trong một bức danh họa khác - “Cái chết của Sardanapalus” của Eugène Delacroix, cả hai gắn với hứng thú của người kể chuyện khi ngắm nhìn cái chết, ngắm nhìn như nhìn trong gương hình ảnh “nội tâm của kẻ bày ra cái chết” (tr.171); giữa hai đầu và cuối đó, là “tiểu thuyết” về năm nhân vật gồm hai khách hàng của người kể chuyện, sẽ hoàn tất hợp đồng, và ba khách hàng tiềm năng rõ rệt, xét theo tiêu chí mà gã đưa ra, như đã nói ở trên.

Không phải sự chết theo mọi nghĩa thông thường, điều gã làm là sáng tạo cái chết.

Một nhân vật trong tiểu thuyết, tên “K.”, dường như được kể để làm chứng cho sự cần thiết cũng như tính mục đích của việc sáng tạo mà người kể chuyện theo đuổi.

K. là em trai của nhân vật nghệ sĩ video-art tên “C.”. Hành nghề lái taxi “đạn” (taxi tốc hành sẵn sàng phạm luật giao thông), K. rơi vào một cơn sốc trầm uất lúc cảm thấy cô tình nhân của mình đã bỏ đi cùng C. Tay lái trẻ này uống rượu, rồi phóng hết tốc lực hàng trăm cây số trong trạng thái lơ mơ mất ngủ… Anh ta đã đến tình trạng không còn nơi để đi không còn ai để gặp. Và dù đã cố ý phó mình cho xa lộ, anh ta vẫn chẳng đâm vào bất cứ thứ gì; không chết được. Hàm ý của chuyện này khá mập mờ nhưng dễ thấy: K. không chết được vì chưa thành khách hàng của kẻ sáng tạo cái chết. Nhân vật C. cũng rơi vào cảnh bế tắc đầy hứa hẹn kiểu đó.

Tuy nhiên, nhân vật chính của cuốn sách này vẫn là gã tư vấn-người kể chuyện: gã kể, khi gặp được một khách hàng “có khả năng khơi gợi sự sáng tạo ở tôi”, thì trong lúc trò chuyện, “Tôi dùng vô số câu chuyện để che đậy con người thật của mình” (tr.18-19), và “Tôi đã học được từ hồi còn rất nhỏ rằng nếu bịa ra một câu chuyện thì sẽ dễ làm rõ một luận điểm hơn. … Dẫu sao thì thế giới này cũng đã đầy dẫy những chuyện hư cấu rồi” (tr.78). Những lời tự tin lãnh đạm, cái giọng điệu ấy, dường như ngầm nhắc gã có cái “luận điểm” nào đấy mà các câu chuyện thân phận của khách hàng giúp “làm rõ”.

Trò chơi hầu như minh bạch về văn bản như vậy hẳn sẽ được những ai chuộng “hậu hiện đại” ưa thích. Trong đó các nhân vật và sự kiện, các thành tố có “tính liên văn bản” như tình tiết về tranh của J. L. David, Gustav Klimt, Delacroix, hay một vài tên tuổi tác phẩm âm nhạc jazz hay pop, hay thơ, một bản giới thiệu du lịch Paris - tất cả tạo nên một tập từ vựng đa bội về nguồn gốc và bản sắc (gã tư vấn nói rằng cuộc đời các nhân vật-khách hàng là những file lưu trong máy tính của gã) nhưng lại bị định hướng vào việc cấu thành ý tưởng của người kể chuyện.
Cái trò chơi này gợi ý rõ ràng người kể chuyện này muốn kể về gã: bởi, gã kể rằng những file chuyện đời của khách hàng gã đã rút ra, biên tập thành tiểu thuyết và gửi đến nhà xuất bản không kèm theo tên tuổi thật của gã cũng như bất kỳ đòi hỏi quyền lợi tác giả nào.

Rốt cuộc, các trình thuật về số phận các nhân vật chỉ là để kể về hành vi “sáng tạo” của người kể chuyện, trong lúc, như một lĩnh xướng giọng trầm, người kể tự kể về mình. Họ là một kiểu tiếng vọng của nhau. Hai bên tạo nên khoảng cách.

Khoảng cách đó là nơi né tránh của người kể. Vì chủ đề của gã là khuyến khích người ta tự giết chính người ta, tự sát, một cách không thể gọi là hư cấu được.

Cái chết, ngay cả trong văn chương và nghệ thuật, là một trong vài chủ đề hiếm hoi không thể lảng tránh sự quy chiếu. Bởi như Émile Chartier từng viết : đó “có lẽ là thực tế lớn nhất của con người, nằm ở chỗ họ không còn tồn tại nữa” (Émile Chartier, tr.221, NXB Trẻ 2013).

Giọng văn khá lạnh lùng, có sắc thái “tối thiểu” của câu chuyện này giấu đằng sau vẻ dửng dưng của nó, của những nhân vật của nó, một phản ứng thẩm mỹ quyết liệt với chủ đề cái chết - gã tư vấn bình luận về bức “Cái chết của Sardanapalus” rằng gã đồng cảm với điều mà gã thấy là hình ảnh ông vua của Babylon bình thản “thưởng lãm” cảnh giết chóc mà ông ta bày ra; gã cho rằng: “Nếu kẻ vẽ cảnh này là một tay họa sĩ hạng ba nào đó thì chắc gã sẽ họa lên hình vị hoàng đế với hai tay ôm đầu nhăn nhó, đau khổ” (tr.171).

Chẳng có một “tay họa sĩ hạng ba nào đó” ứng vào đây. Đơn giản đó là một ám chỉ công kích những cảm nhận thông thường. Và xa hơn nữa, đừng ngại một suy luận quy chiếu, sự công kích đó hẳn là phản bác những ồn ào hờ hững đối với nạn tự tử - điều mà truyền thông luôn đưa lên như một vấn nạn, nhất là từ sau khi Hàn Quốc bước vào hàng ngũ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Gã tư vấn chết chóc lập một từ vựng khác về cái chết: “bình thản nhưng đau đớn, đầy căm hận nhưng chan chứa cảm thông/thể hiện tất cả những cảm xúc đối lập trong nội tâm con người” (tr.8); “đớn đau… mang lại khoái cảm thầm kín” (tr.14); “những dục vọng vùi sâu trong vô thức” (tr.15); “thiết kế cái kết của đời mình với một vẻ đẹp (thơ ca)” (tr.21); hay về màu sắc của cảnh tàn sát trong tranh thì “tươi sáng … rỡ ràng” (tr.170); v.v…

Toàn bộ cái tập từ vựng ấy, cho đến cảnh sau cùng khi gã chúc nữ khách hàng xinh đẹp có “một chuyến đi tốt đẹp” (tr.173) trong cái bồn tắm đầy nước đã loang hồng, những từ ngữ ấy toát lên điều rất quen (nhưng khá ít sáo mòn, do vẻ đẹp văn chương của người kể!), mà chung quy là nhu cầu cảm thông, thông hiểu, yêu và được yêu chân thực mạnh mẽ - và chẳng nên đánh giá thấp cái thông điệp ngầm ẩn đó, bởi lẽ những con người đòi hỏi điều ấy lại là những tính cách bất kham, tự do khôn lường, đòi hỏi trưng ra hay tìm kiếm một bản sắc cá biệt đến mức lý tưởng… mà nhìn chung xã hội cảm thấy khó xử, khó quan tâm cho đủ.

“Sáng tạo” thì nhìn chung là một từ ngữ sáo mòn, song người kể đã quả thực gây được bất ngờ khi gắn nó vào cái “quyền hủy hoại bản thân” để tạo ra một trường nghĩa khác.

Thông tin tác giả


Kim Young Ha là một nhà văn nổi tiếng của Hàn Quốc, tác phẩm của anh đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước, được yêu thích, tìm đọc ở Hàn Quốc và hàng chục nước trên thế giới. Kim Young Ha được tạp chí Moonji đánh giá là một trong những tác giả trẻ dẫn dắt nền văn học Hàn Quốc trong thế kỷ 21.
Thông tin thêm

Tôi có quyền hủy hoại bản thân (tựa gốc: I have the right to destroy myself) là tiểu thuyết đầu tay của Kim Young Ha, đã được xuất bản vào năm 1996, được chuyển thể thành phim đồng thời được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. 
Để tìm đọc cuốn sách này:

Click vào đây



0 nhận xét:

Đăng nhận xét