Pages

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

MẸ ƠI! CON ĐỒNG TÍNH




Giới thiệu tác giả:

Nguyễn Ngọc Thạch (bút danh khác: Jade), là tác giả trẻ được cộng đồng mạng quan tâm khi chọn những mảng đề tài gai góc, gây nhiều tranh cãi trong xã hội như đồng tính, mại dâm, chuyển giới. Mặc dù đang làm việc trong lĩnh vực marketing, viết lách chỉ như một cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng, nhưng với giọng văn trần thực, không hoa mỹ mà vẫn giàu cảm xúc, các tác phẩm của Thạch viết ra vẫn luôn được đông đảo độc giả đón nhận. 





Võ Chí Dũng – Hiện đang là sinh viên Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, là 1 trong 2 đại diện Việt Nam tham gia chương trình Asian Youth Exchange Program in Okinawa 2010 tại Nhật Bản; nhận học bổng Domestic British Council IELTS Scholarship 2011 của Hội Đồng Anh, hiện đang là chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học pháp lý cấp trường và dự thi cấp thành. 



Đôi lời về cuốn sách

 “Mẹ ơi, con đồng tính” được viết dựa trên các tài liệu khoa học, lịch sử uy tín nhất và đều bắt nguồn từ những câu chuyện người thật, việc thật đã và đang xảy ra xung quanh chúng ta. Việc mở đầu cuốn sách bằng một câu chuyện thần thoại nhẹ nhàng chính là để các bạn không cảm thấy những thứ tác giả muốn gởi gắm, truyền tải quá khô khan, cứng nhắc như nhiều cuốn sách, tài liệu về LGBT hiện có.

Với truyền thuyết về chòm sao Bảo Bình kể trên, chúng ta nhận ra rằng việc hai người đàn ông hay hai người phụ nữ yêu thương nhau đã xuất hiện từ rất lâu trong truyền thuyết, thần thoại hay thậm chí là trong chính sử.

Xuyên suốt tiến trình phát triển của lịch sử văn minh nhân loại, trong nhiều trang sử ghi lại, thấp thoáng đâu đó chúng ta vẫn thấy ẩn hiện các mối tình nam – nam, nữ - nữ trải dài từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim.

Có vị hoàng tử Narcisses yêu hình ảnh đàn ông trong chính mình thì cũng có một Bạch Cư Dị giấu tình yêu thầm kín trong những áng thơ được người đời xưng tụng. Có nhà thơ nữ Sappho viết về tình yêu giữa đàn bà với nhau thì cũng có những đồn thổi quanh chuyện tình giữa các chàng Samurai ở xứ sở Phù Tang.

Tình yêu đồng giới, có lẽ nơi đâu cũng có, chỉ là người ta có kịp nhận ra nó hay không.
Kho tàng tiếng Việt vốn rất phong phú, người ta có thể nói một câu với hai, ba tầng ý nghĩa, tuy nhiên sự sáng tạo và cởi mở ấy vẫn chưa đủ để dùng trong các vấn đề xã hội hiện đại.


Đa số người Việt Nam hiện tại chưa phân định được sự khác biệt đâu là người đồng tính luyến ái, người lưỡng tính luyến ái hay người chuyển giới. Chỉ thấy rằng đàn ông đi yêu đàn ông, đàn bà đi yêu đàn bà, nam mặc đồ như nữ, nữ mặc đồ như nam thì đều gọi chung đó là pêđê, đồng tính, là bóng, là bán nam bán nữ, lại cái, hi-fi…

Thậm chí, ngay cả các bạn đồng tính khi được hỏi, cũng không biết vì sao người ta gọi mình là gay, hay nguồn gốc chữ lesbian từ đâu xuất hiện.

Chúng tôi nghĩ rằng, quan niệm xã hội được hình thành từ nhận thức của những con người sống ở xã hội đó. Trong tác phẩm Lão Hạc, nhà văn Nam Cao từng nói, “đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tình mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…” Người đồng tính trong xã hội hiện tại, vẫn bị cho là bệnh hoạn, biến thái cũng chính vì nguyên nhân đó, vì họ chưa được tìm hiểu, được cảm thông.

Khi đã đọc đến những dòng chữ này, ắt hẳn dù bạn có là người đồng tính hay không, thì bạn vẫn thể hiện một sự quan tâm nhất định đến cuộc sống, tâm tư, tình cảm của những người đồng tính nói chung đang tồn tại trong xã hội mà chính bạn đang sống. Đó là một điều rất đáng quý.

Hi vọng với “Mẹ ơi, con đồng tính”, có thể cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản nhất, đơn giản nhất nhưng cũng đầy đủ nhất trong khả năng cho phép, để khi được hỏi, bạn có thể trả lời rằng “Tôi đã hiểu về những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới!” và khi có gặp, bạn có thể chọn cho mình một cách đối xử đúng đắn nhất với họ.
  

Trích đoạn sách hay:

“Khi tôi sinh ra trong cuộc đời này, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi được cha, mẹ và những người hộ sinh xác định giới tính cho mình là nam bằng cách nhìn vào cơ quan sinh dục bên ngoài rồi nhận định. Nhưng có lẽ đấy chỉ là những gì người ta nhìn được bằng mắt thường, còn tâm hồn thật sự bên trong tôi, có mấy ai hiểu… Tôi là một người phụ nữ, nhưng lại không dám bộc lộ ra bên ngoài, vì khi người ta biết chuyện ấy, mình sẽ chết vì người ta không bao giờ chấp nhận. Khi sinh ra, người ta nhìn mình là con trai, nhưng càng lớn lên thì lại phát triển theo hướng một nửa đàn ông, một nửa đàn bà. Ngực không lớn, nhưng ít nhiều gì nó cũng có trái chàm, cũng nhô lên. So với một người phụ nữ bình thường thì không thể bằng, nhưng với một người đàn ông thì nó sẽ lớn hơn rất nhiều. Khi thấy cơ thể mình khác biệt, tôi sợ lắm, hoảng loạn, rồi tìm mọi cách để che giấu. Tôi ăn rất nhiều, ép mình ăn đến mức phải ói ngược ra ngoài khi bao tử không còn nhồi nhét được, chỉ vì một mục đích duy nhất là khiến cơ thể mình mập lên, che đậy sự khác biệt kia.

Nghĩ thử xem, một người từ 40 kg tăng lên 84 kg trong khi chỉ cao có 1m57 thì nhìn còn giống con người nữa đâu, nhưng không làm vậy thì không được, sợ người ta biết mình nam không ra nam, nữ không ra nữ lắm. Khi trở thành phụ nữ thật sự rồi, tôi phải ráng sức ngày đêm tập luyện để cơ thể được trở lại như xưa, đấy là một quá trình kiên trì ghê gớm, mà ngay cả gia đình tôi cũng không biết.

Do tâm lý lúc nhỏ mình hoảng sợ, nên ít khi nào chia sẻ, thổ lộ cùng ai, gia đình nhìn thấy thằng con trai rụt rè, nhút nhát cũng hay quan tâm, lo lắng, không biết tôi ra đời có sống được hay không. Dĩ nhiên nhìn gia đình quan tâm, lòng tôi đau lắm, nhưng chuyện giới tính của mình khác biệt, làm sao dám cho nhiều người biết được, một người biết thì nhiều người khác sẽ biết, mà khi đã biết hết rồi thì không thể nào đi học được.

Lúc nhỏ tôi học giỏi lắm, tôi ước mơ sẽ trở thành một kỹ sư hoặc giáo viên. Năm đó, tôi đậu hai trường và chọn Đại học Kinh tế để học, nhưng rồi học được hết hai năm đầu đại cương thì quyết định bỏ ra ngoài, mở trung tâm, đi dạy thêm để xoay xở và kiếm tiền để thực hiện mơ ước của đời mình là được trở thành phụ nữ.

Năm 2006, tôi đi làm xét nghiệm y khoa để biết chắc rằng lượng hormone cũng như đặc điểm cơ thể mình thiên về giới tính nữ nhiều hơn và được các bác sĩ ở một bệnh viện tại Tp. Hồ Chí Minh tư vấn sang Thái Lan làm phẫu thuật. Nhưng nhà thì nghèo, lấy đâu ra số tiền lớn để thay đổi cơ thể. Vậy là tôi bắt đầu nhận dạy kèm, dành dụm, chắt chiu từng đồng bạc, cùng sự giúp đỡ của người yêu bên Mỹ để có được số tiền 20.000 USD – chi phí làm lại cuộc đời.

Tôi đã trải qua hơn hai năm tại Thái Lan, uống thuốc, chích hormone và làm các cuộc phẫu thuật lớn, nhỏ khác nhau để có được cơ thể của một người đàn bà như mình mong muốn. Lúc đi tôi không dám nói cho gia đình biết vì sợ cha mẹ lo. Nhiều khi tôi cũng nghĩ nếu phẫu thuật không thành công, mình có thể bỏ mạng nơi đất khách quê người. Nhưng rồi nghĩ lại, thà một lần phẫu thuật để được làm chính mình thì dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng không hối tiếc.

Nằm trên bàn phẫu thuật, mặc dù đã được gây mê nhưng tôi vẫn thấy đau đớn như xé từng thớ thịt khi dao kéo lia đến những nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể. Nhưng rồi với niềm hi vọng mãnh liệt, cùng khao khát được là chính mình, tôi đã vượt qua được những cơn đau đó. Đến giữa năm 2008, sau khi trải qua phẫu thuật phần dưới, tôi đã thực sự trở thành phụ nữ.

Trở về Việt Nam, tôi gửi đơn lên các cơ quan chức năng về việc chuyển đổi giới tính và thay đổi tên trong giấy tờ tùy thân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì từ trước đến giờ chưa có tiền lệ, song đến gần cuối năm 2009, sau khi làm xét nghiệm y tế, chính quyền địa phương và các ngành chức năng mới quyết định chấp thuận yêu cầu của tôi. Và trên tinh thần đó, tôi được công nhận lại giới tính của mình.

Cái tôi muốn chia sẻ ở đây là vấn đề ở khía cạnh tình cảm con người với nhau. Thông thường, người chuyển đổi giới tính bị dạt ra ngoài xã hội, họ phải sống rất khổ sở khi đóng một lúc hai vai, vừa là đàn ông, cứng rắn, nhưng bên trong con người lại là sự yếu mềm của phụ nữ. Với mỗi người, mỗi hoàn cảnh thì việc không dám sống thật với con người mình như vậy còn tùy thuộc vào suy nghĩ của cá nhân họ, nhưng với tôi, tôi luôn tâm niệm rằng mình không có lỗi. Tôi tự hào vì bên cạnh mình luôn có những người yêu thương, quan tâm và học trò của tôi cũng rất ủng hộ cho cô giáo của mình.

Ngày tôi được công nhận về mặt giấy tờ là nữ, tôi khóc. Cuộc đời tôi chưa bao giờ khóc, ngay cả lúc đau khổ nhất về tinh thần hay đớn đau nhất về thể xác là lúc nằm trên bàn phẫu thuật bên Thái Lan, rất là đau, đau ghê gớm lắm, dù gì cũng đụng đến dao kéo mà, nhưng tôi cũng chưa bao giờ khóc. Vậy mà khi cầm được tờ giấy quyết định mình là giới tính nữ trên tay, tôi bước ra khỏi phòng rồi khóc như một đứa trẻ, bởi vì tôi biết rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi và sự thay đổi ấy ít nhiều sẽ theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Trong đời tôi, lúc đó giống như lần thứ hai mình được sinh ra. Quan niệm của tôi là cuộc sống này ngắn ngủi lắm. Người ta hay nói, sống bao nhiêu, chết bao nhiêu, nhưng khi tôi ra đường, chứng kiến nhiều tai nạn làm mình quặn thắt lòng, tỉ như một cái quẹt xe cũng có thể cướp đi sinh mạng con người, cho nên tôi nghĩ, mình còn sống thì thích việc gì cứ làm việc ấy, miễn sao điều đó không vi phạm pháp luật hay làm hại đến người nào khác. Mình mơ ước gì cũng cứ tự tin, mạnh dạn mà thực hiện, còn thành công hay không thì đấy lại là chuyện của số phận và cái duyên của mỗi người.


Với tôi, giới tính của con người thì không thể nào quyết định được con người đó là tốt hay xấu, mà chính nhận thức, cách giáo dục, môi trường sống và cách họ sống mới nói lên được tất cả.” ….

Mục lục:
  1. Truyền thuyết chòm sao bảo bình  
  2. Lời mở đầu  
  3. Các khái niệm cơ bản  
  4. Thuật ngữ, tiếng lóng  
  5.  Biểu tượng  
  6.  Các câu hỏi thường gặp  
  7. Đồng tính từ góc nhìn xã hội  
  8.  Nhân vật  
  9.  Bóng lộ  
  10. Các tổ chức hoạt động vì quyền lợi của cộng đồng LGBT  
  11. Thay cho lời kết  



0 nhận xét:

Đăng nhận xét