Pages

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

10 tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của Việt Nam (P1)


Truyện cổ tích Việt Nam đặc sắc

“Tôi yêu truyện cổ nước tôi - Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa”. Trước khi tiếp xúc với văn học thiếu nhi trong nước và thế giới, một em bé nên được kể cho nghe chuyện cổ tích của chính đất nước mình.



Truyện cổ tích Việt Nam lý giải nguồn gốc hình thành đất Việt cũng như sự xuất hiện của mọi sự vật, hiện tượng: từ quả dưa hấu, con dã tràng đến phong tục trồng cây nêu ngày Tết. Những câu chuyện phản ánh khát vọng ngàn đời của dân tộc ta về một cuộc sống yên bình, ấm no và cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Con người Việt Nam trong truyện hiện lên nhân nghĩa thủy chung, giàu nghĩa khí, lý tưởng và yêu chuộng hòa bình. Những câu truyện như Trầu cau, Tấm Cám, Thánh Gióng… đã nuôi dưỡng bồi đắp tâm hồn, phát huy trí tưởng tượng của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Bộ sưu tập truyện cổ tích Việt Nam trọn vẹn và đầy đủ nhất là bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, năm tập do giáo dư Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn. Đây chính là kết quả của 25 năm (1957-1982) dày công nghiên cứu, tổng hợp và viết lại khoảng 2000 câu truyện của giáo sư. Bộ sách đưa ra nhiều kiến giải mới mẻ về truyện cổ tích Việt Nam trong mối tương quan với truyện cổ tích thế giới và được sắp xếp theo một hệ thống khoa học, hợp lý.

Dế mèn phiêu lưu ký (1942) - Tô Hoài




Dế mèn phiêu lưu ký đã trở thành một tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam và được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Bằng sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, Tô Hoài đã vẽ nên một thế giới côn trùng sinh động và phức tạp chẳng kém gì thế giới loài người. Những đặc điểm thú vị và thói quen sinh hoạt đặc trưng của các loài Dế, Xén tóc, Cóc, Châu Chấu, Kiến… sẽ rất hấp dẫn đối với các độc giả nhỏ tuổi, lứa tuổi thích khám phá tìm hiểu về thế giới xung quanh.
Dế mèn phiêu lưu ký được viết bằng một giọng văn hài hước và ý nhị. Câu chuyện có nhiều biến cố, tình huống bất ngờ kích thích trí tưởng tượng của các em nhỏ. Nhân vật chính của tác phẩm, chàng Dế mèn vừa can đảm, tốt bụng, trượng nghĩa nhưng cũng có những lúc kiêu căng, ngạo mạn, gây ra bao hậu quả... sẽ đem lại cho các em những bài học đầu tiên về tình bạn và cách ứng xử trong cuộc sống. Đây cũng là tác phẩm giàu lý tưởng, ấp ủ mơ ước về một thế giới đại đồng, nơi tất cả đều là anh em, bạn bè. Đến nay, Dế mèn phiêu lưu ký đã chu du tới gần 40 quốc gia và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới.

Đất rừng phương Nam (1957) - Đoàn Giỏi



Lấy bối cảnh những năm 1945, khi thực dân Pháp vừa trở lại Nam Bộ, “Đất rừng phương Nam” theo chân cậu bé An phiêu bạt khắp miền “mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh".
Tiểu thuyết ngồn ngộn những chi tiết hấp dẫn, thú vị về thiên nhiên và con người Nam Bộ. Những trang sách miêu tả cảnh câu rắn, bắt cá sấu, cách nuôi ong lấy mật trong rừng U Minh hay cảnh An và cha nuôi chạm trán với hổ… chắc chắn sẽ làm say mê những độc giả nhỏ tuổi. Ngòi bút của Đoàn Giỏi tỏ ra đặc biệt phóng khoáng và tràn đầy sức sống khi miêu tả khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của vùng Tây Nam Bộ. Nhưng nổi bật nhất trong cuốn tiểu thuyết vẫn là tình người đơn sơ, giản dị cùng tính cách hào sảng, trọng nghĩa khí, “giữa đường thất chuyện bất bình chẳng tha” của người Nam Bộ.

"Đất rừng phương Nam" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha. Năm 1997, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim Đất phương Nam, do NSƯT Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn và viết kịch bản. Bộ phim rất được yêu thích và được đánh giá là một trong những phim truyền hình xuất sắc của Việt Nam.

Góc sân và khoảng trời (1968) - Trần Đăng Khoa



“Góc sân và khoảng trời” xuất bản lần đầu tiên vào năm 1968 khi tác giả mới 10 tuổi. Tập thơ đã góp phần gây dựng nên danh hiệu “thần đồng thơ” một thời cho nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Tập thơ là cái nhìn trong trẻo đầy bỡ ngỡ và yêu thương đối với tất cả những điều nhỏ bé, giản dị của cuộc sống xung quanh. Thế giới trong thơ Trần Đăng Khoa chỉ quanh quẩn trong vườn nhà với vầng trăng, cây dừa, đàn gà, giàn trầu hoặc trong phạm vi lũy tre làng với dòng sông, cánh cò, con trâu đang gặm cỏ… Nhưng tất cả thế giới loài vật ấy đã được nhân cách hóa, trở nên sống động xôn xao với những suy nghĩ, lo toan, tình cảm như con người.

Trần Đăng Khoa đã có những vần thơ rất xúc đông về mẹ, về cha, về người thầy và những người bạn của mình. Được sáng tác trong bối cảnh thời chiến, tập thơ còn chứa đựng những tình cảm trong sáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những người lính cầm súng bảo vệ quê hương.

Hình ảnh trong thơ Trần Đăng Khoa ngộ nghĩnh, đáng yêu, cách sử dụng các phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, cách chọn lọc từ ngữ khiến cho nhiều người lớn phải thán phục. Những bài thơ như Hạt gạo làng ta, Nghe thầy đọc thơ, Đám ma bác giun… đã được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích và học thuộc.

Quê nội (1973) - Võ Quảng




Lời bài hát “Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng” miêu tả rất chính xác hai em bé Cục và Cù Lao, nhân vật chính trong tiểu thuyết Quê nội của Võ Quảng. Truyện lấy bối cảnh một miền quê nghèo của miền Trung, làng Hòa Phước, tỉnh Quảng Nam sau Cách mạng tháng 8. Độc giả sẽ được theo chân hai em bé Cục và Cù Lao cùng rượt nhau trên những cánh đồng quê, chơi đùa nghịch ngợm, rồi lớn lên cùng đi theo lý tưởng cách mạng. Câu chuyện trong tiểu thuyếtQuê nội sẽ được tiếp tục trong Tảng sáng, một tiểu thuyết khác của Võ Quảng, cũng vẫn với những nhân vật ấy nhưng là khi hai người đã trưởng thành hơn, cùng chiến đấu vì đất nước.
Giống như tên gọi của nhân vật, tác phẩm được viết bằng một giọng văn đơn giản, mộc mạc nhưng không kém phần hấp dẫn. Những trang văn của Võ Quảng chan chứa tình yêu quê hương đất nước, những tình cảm cách mạng trong sáng và niềm tin, hy vọng mạnh liệt vào tương lai tươi đẹp. Nhà phê bình Pháp, Alice Kahn so sánh Quê nội với Tom Sawyer của đại văn hào Mark Twain và cho biết bà thậm chí còn thích tác phẩm của Võ Quảng hơn.

Để tìm đọc những cuốn sách này, click vào ĐÂY

HOẶC

ĐỂ TÌM SÁCH


0 nhận xét:

Đăng nhận xét