Pages

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Nhân quả


 Lời giới thiệu của tác giả viết cho cuốn sách:
Để viết cuốn sách này, tôi đã suy nghĩ về quá khứ, lục tìm trong ký ức để chọn lọc. Từ nhiều năm của thế kỷ trước chúng tôi cùng những người có khả năng ngoại cảm đi tìm mộ liệt sỹ. Chúng tôi bắt đầu được nghe các vong nói chuyện về mình, về đồng đội và về gia đình, đơn vị. Trong đó có nhiều chuyện về nhân quả, quả báo, báo oán. Đến năm 1996, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người ra đời, chúng tôi được giám đốc Trung tâm và hội đồng khoa học giao cho các đề tài khoa học nghiên cứu về gọi hồn, áp vong, các biểu hiện của vong và đặc biệt là các đề tài tìm mộ riêng lẻ và đề tài tìm mộ tập thể. Anh chị em gọi là đề tài “Người sống tìm người chết”. Đề tài xác định danh tính của liệt sỹ dưới mộ vô danh, anh chị em gọi là đề tài “Người chết tìm người sống” vì muốn xác định được phải theo hai tiêu chí tìm được người thân và đúng quê hương mà liệt sỹ “nói”, hai là tìm được đơn vị có tên liệt sỹ chiến đấu và hy sinh tại đó. Chính vì đề tài này rất khó nên tiến hành chỉ đạt 6% - 14%. Đề tài “Tìm người thất lạc, người bỏ nhà đi hoặc tìm kẻ giết người cướp của” anh chị em gọi là đề tài “Người sống đi tìm người sống”. Đề tài này chủ yếu do hai nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng và Nguyễn Khắc Bảy tham gia. Đến nay, anh chị em ngoại cảm đã tìm được gần 200 nghìn ngôi mộ. 
Đặc biệt, đề tài “Khảo sát các trạng thái biểu hiện của vong” và đề tài “Giả thiết, lý giải các biểu hiện của vong dưới góc độ khoa học” mã số TK10 và mã số TK12 TM/TL (2010) đã được Hội đồng khoa học đánh giá cao. Trong đó có đề tài nhánh “Bệnh âm và lý giải”. Như vậy, hai mươi năm nghiên cứu đối tượng khoa học, thực chất là tìm hiểu về vong, được biểu hiện qua các nhà ngoại cảm. Đến nay là thế hệ ngoại cảm thứ tư và thứ năm xuất hiện. Vì các anh chị em ở thế hệ trước, một số người đã hết khả năng hoặc khả năng đã giảm nhiều hoặc một số không còn trong sáng vô tư nữa. Cũng từ việc nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy nếu không có sự giúp đỡ của vong linh thì không thể tìm được mộ và sự thành công của nhiều việc về văn hóa Phương Đông khác.
Để nghiên cứu, chúng tôi tiếp cận theo phương pháp “Lý thuyết tiếp cận hệ thống” (System Approach), để tìm hiểu hiện tượng nổi (emergence) của toàn bộ hệ thống. Vì rất nhiều trạng thái biểu hiện của vong nên chọn hiện tượng nào? Qua nghiên cứu lý thuyết tiếp cận hệ thống và lý thuyết chỉnh thể của y học Phương Đông, chúng tôi thấy không có gì là mâu thuẫn, cũng qua nghiên cứu, chúng tôi “chộp” được một biểu hiện của vong thấy rất thú vị và rất quan trọng đối với cuộc sống con người hiện nay: đó là luật nhân quả mà trong nhóm cán bộ nghiên cứu của đề tài gọi là báo oán hoặc quả báo và giải nghiệp. Để nghiên cứu về nhân quả và giải nghiệp, chúng tôi dựa theo lý thuyết và quan điểm trong cặp phạm trù “tất nhiên và ngẫu nhiên” và cặp phạm trù “nhân quả” thì phương pháp tiếp cận dựa vào cặp phạm trù “nhân quả” là phù hợp. Vì đạo Phật cũng nói tới nhân quả… trong điều kiện nào đó “nhân” sẽ thành “quả”. Đầu vào, đầu ra qua hộp đen của lý thuyết tiếp cận hệ thống, muốn tìm được “nhân” đối chiếu với “quả” thì phải soi chéo rồi khớp lại mới tiến hành giải nghiệp hay trả nghiệp - giải nghiệp chướng. Có giải được nghiệp chướng thì mới giải thoát khỏi báo oán. Ví dụ đem súng, gươm, đao, kiếm, bom, đạn đi giết chết hàng nghìn, hàng vạn người dân vô tội ở các nước với những lời giả dối, mĩ miều thì làm sao giải được nghiệp chướng hoặc cậy vào sức mạnh đồng tiền và thế lực đã phá đền chùa, am thờ, miếu mạo, mồ mả, phá hủy hài cốt của người khác.
Tưởng rằng có quyền lực ở dương thế thì muốn làm gì cũng được. Đây thực sự là ảo tưởng và huyễn tưởng, thậm chí vì ham đất đai, quyền lực, tiền của mà bất hiếu, bất trung với cha mẹ, gia tiên; anh chị em hại nhau, bạn hữu hại nhau, họ hàng giết nhau, cùng một dân tộc, một đất nước cũng giết hại lẫn nhau. Ôi! Thật là thê thảm! Chiến tranh! Hận thù cá nhân! Lòng tham vô đáy của con người… Hận thù chồng chất hận thù! Chiến tranh chồng chất chiến tranh!
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho tôi sưu tầm những quan điểm của chủ nghĩa Mác nói về con người và gợi ý chuẩn bị thành lập Viện Nhân học. Thật may mắn, tôi còn lưu giữ được nhiều tư liệu quý về “báo oán” của thiên nhiên. Sau đây, tôi xin trích một số lời của C.Mác, nói về sự trả thù của thiên nhiên: “Con người sống dựa vào tự nhiên. Như thế nghĩa là tự nhiên là thân thể con người. Để khỏi chết, con người phải ở trong quá trình giao dịch thường xuyên với thân thể đó. Sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người liên hệ khăng khít và tự nhiên. Vì con người là một bộ phận của tự nhiên. Đặc biệt, những đoạn viết sau đây của Anghen trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” (1875-1876), chúng tôi suy ngẫm liên hệ với tình hình nước ta và khu vực hiện nay thì rất đúng: “Loài vật sống phần nhiều dựa vào tự nhiên… con người nhận thức được quy luật của tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó phục vụ những mục đích của mình, nhằm thống trị tự nhiên”. Đồng thời, Anghen cũng nhắc nhở: “Nhưng con người cũng không nên quá tự hào thắng lợi về khoa học mà con người chinh phục được tự nhiên… Vì sau đó, tự nhiên sẽ trả thù, lần thứ hai mạnh hơn lần trước, lần thứ ba dữ dội hơn lần hai…”. Anghen đã đưa ra dẫn chứng về thảm họa ở một số nước, ông còn phân tích sự khác nhau của châu Âu và châu Á. C.Mác còn nói: “Một tự nhiên hào phóng thì nó dắt tay người ta đi như dắt tay trẻ con tập đi. Nó ngăn cản con người tàn phá tự nhiên phát triển, bằng cách không cho sự phát triển của con người trở thành một tất yếu”. (Nghĩa là bất chấp quy luật của tự nhiên, tàn phá tự nhiên).
Nghiên cứu lý luận Mác - Anghen, cặp phạm trù “nhân quả” của chủ nghĩa Mác đối chiếu với thực tế loài người, con người trên dương thế thì không những có Báo oán - Quả báo - Nhân quả giữa con người với con người mà còn Báo oán - Quả báo - Nhân quả của tự nhiên (thiên nhiên) với con người.
Triết học Phương Đông cách đây trên 2000 năm đã nói: “Vũ trụ này là vũ trụ đạo lý, vũ trụ tâm linh. Khi tri thiên tức là khi đã biết đến trời thì người ta không những là công dân của xã hội nhân quần mà còn là công dân của trời, công dân của vũ trụ… Người ta không những được hưởng phẩm tước của xã hội nhân quần mà còn hưởng phẩm tước của trời”.
Trong cuốn sách này, chúng tôi không nêu sự Báo oán - Nhân quả của tự nhiên với con người mà chỉ nêu Nhân quả của con người với con người. Ngoài ra, chúng tôi đưa vào một số truyện ngắn, truyện kể nhằm giúp người đọc bớt căng thẳng, nhưng vẫn nói lên Nhân quả - Báo ứng. Ví dụ, truyện về con sói (Ăn cháo đá bát) nói lên sự vô ơn; truyện “Trời ơi, con gái!” nói về sự kiêu căng; truyện “Bà ơi là bà ơi!” nói đến sự bất hiếu; và truyện “Chết đói” nói lên lòng nhân đạo…
Theo cố nhà ngoại cảm có quyền năng huyền bí - Nguyễn Đức Cần - đã nói: “Con người có hai loại bệnh: Thân bệnh và nghiệp bệnh. Thân bệnh thì có thể chữa được, nghiệp bệnh thì khó. Nghĩa là có người có thể khỏi bệnh, có người không khỏi và có người cụ không nhận chữa”.Theo nghiên cứu của chúng tôi thấy có thể có ba loại nhân quả. Loại báo oán ngay đối với người gây ra đau khổ, chết chóc với người khác, hoặc xâm phạm đến nơi thờ phụng của vong linh, thánh thần, chùa chiền… Cũng có loại một hai đời sau mới phải gánh họa của cha ông gây ra và cũng có loại năm bảy đời sau thì họa mới đến dữ dội, liên tiếp mà người đời không hiểu tại sao.
Hiện nay, có người nửa tin, nửa không tin hoặc vì quá ham quyền lực, tiền bạc, đất đai nên vẫn lao vào con đường Ý, Khẩu, Thân làm điều ác và vẫn cứ tưởng rằng họ sẽ thoát khỏi lưới trời. Họ không hiểu, không thấy được luật nhân quả đang ở trước mặt. Vì thế giới này được điều khiển tự động bằng luật Nhân quả! Đây chính là luật của Vũ trụ - luật của Vũ trụ là luật Nhân quả. Đúng là “thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu” (lưới trời tuy thưa nhưng không gì có thể lọt qua được). Dân gian ta còn có vè rằng:
“Ai ơi chớ vội khoe tài
Hôm nay võng lọng ngày mai bộ hành
Ngày kia bị, gậy, chiếu manh
Ngày kìa đui cụt, lê quanh chân giường!”.
Để cứu giải, giải nghiệp thì cứ lễ lạt phần âm thật to ư? Như hiện nay có người sẵn sàng bỏ ra một tỷ hoặc mười tỷ để lễ lạt âm phần phù hộ cho họ. Không được đâu! Chả lẽ thánh thần cũng tham nhũng ư? Như thế thì không còn là thánh nữa.
Lễ lạt cốt lòng thành, người tốt sẽ được âm phù, dương trợ. Không thể đem tiền ra mua thánh thần, sẽ thêm tội đấy. Nhiều người cứ tưởng rằng lễ to thì thoát tội. Một số người lợi dụng sự đau khổ của người khác để moi tiền bạc của họ. Chắc chắn đó là tội ác. Ở đời không phải tội gì cũng sám hối giải nghiệp được. Ví như tội giết cha mẹ, anh em; tội bán nước cầu vinh. Ở đời không phải cuộc lễ cầu nào cũng được chứng, cũng thành công. Đút lót nhiều, hối lộ nhiều với thánh thần càng thêm tội. Thầy sẽ phải gánh họa. Cuốn sách này hi vọng sẽ góp phần suy ngẫm cho người đọc.
Xã hội phát triển, nhiều người làm việc thiện, nhiều người chân thật và tốt bụng… Nhưng chúng ta cũng đang phải sống trong thời kỳ vàng thau lẫn lộn, ngoại cảm giả danh, tà vong quá nhiều, từ thiện cửa miệng, kẻ cơ hội nổi lên kiếm chác. Điều đó làm cho niềm tin xã hội bị chao đảo. Nhưng chúng tôi cho rằng, cùng với sự phát triển, nhiều người có lòng nhân ái thực sự, từ thiện thực sự và tài năng đặc biệt thực sự thì chính con người sẽ sàng lọc được và thời gian chắc chắn sẽ trả lại sự chân chính đích thực…
Xin chân thành cảm ơn.
THIẾU TƯỚNG, TIẾN SĨ, NHÀ VĂN NGUYỄN CHU PHÁC




0 nhận xét:

Đăng nhận xét