Pages

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Tới ngọn Hải đăng

Giới thiệu nội dung
"Tới ngọn hải đăng" của Virginia Woolf được Tạp chí Time xếp hạng là một trong số 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923-2005. 

"Tới ngọn hải đăng" là câu chuyện kể về gia đình Ramsay trong kỳ nghỉ trên hòn đảo ở Scotland vào khoảng năm 1910 và 1920. Thông qua những điều bình dị, tác phẩm thể hiện được những tâm tư, suy nghĩ của Virginia Woolf về bản chất của cuộc sống và khát vọng tìm câu trả lời cho câu hỏi: Ý nghĩa của cuộc đời mỗi con người là gì? Tác phẩm cũng được coi là cuốn tiểu thuyết viết theo dòng ý thức thành công nhất của Virginia Woolf. Tuy nhiên đây không phải là một cuốn sách dễ đọc, như cách nói của nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng người Canada Margaret Atwood: "Có một số cuốn sách phải đợi cho tới lúc bạn đã sẵn sàng cho nó. Trong việc đọc, có rất nhiều điều phụ thuộc vào sự may mắn".
Những thành tựu của "Tới ngọn hải đăng":
- Tác phẩm Tới ngọn hải đăng được xuất bản lần đầu vào tháng 5-1927 với số lượng ba ngàn bản và bán hết trong vòng một thời gian ngắn, giúp vợ chồng Woolf mua được một chiếc xe hơi.
- Đoạt giải Heinemann Northcliffe và giải Femina Vie Heureuse (nay gọi là Prix Femina) dành cho tác phẩm nước ngoài năm 1928.
- Được dịch sang tiếng Pháp ba lần: dịch giả Maurice Lanoire (tựa tiếng Pháp Promenade au Phare - 1929); dịch giả Magadi Merle (tựa tiếng Pháp Voyage au Phare - 1993); dịch giả Francois Pellan (tựa tiếng Pháp Vers le Phare - 1996).
- Được tạp chí Time Magazine xếp hạng nằm trong số 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 - 2005.
- Được hãng thông tấn BBC chuyển thể thành phim (TV) vào năm 1983. Đạo diễn Colin Gregg, chuyển thể kịch bản phim Hugh Stoddart.
- Được chuyển thể thành kịch bởi kịch tác gia Adele Edling Shank, đạo diễn Les Waters, âm nhạc Paul Dresher, công diễn lần đầu tại nhà hát Roda ngày 23-3-2007.
- Nhạc sĩ Anh Patrick Wolf (sinh năm 1983) đã sáng tác ca khúc To the Lighthouse (trong album Lycanthropy - 2003) với cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết.
Giới thiệu tác giả:
Virginia Woolf (25/1/1882 – 28/3/1941), là một tiểu thuyết gia và là một nhà văn tiểu luận người Anh, bà được coi là một trong những nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỉ 20. Trong suốt thời gian giữa chiến tranh, Woolf là một nhân vật có tầm ảnh hưởng của văn học London và là một thành viên củaBloomsbury Group.

Nhũ danh của Virginia Woolf là Adeline Virginia Stephen. Bà là con gái của nhà biên tập và phê bình Leslie Stephen và Julia Prinsep Stephen (nhũ danh Jackson), một phụ nữ đẹp nổi tiếng từng là người mẫu cho các họa sĩ theo trào lưu Tiền-Raphael như Edward Burne-Jones. 
Theo Virginia Woolf, những hồi ức tuổi thơ mạnh mẽ nhất của bà không phải là ở London mà là ở thị trấn St. Ives thuộc hạt Cornwall, nơi gia đình bà dùng để nghỉ hè cho tới năm 1895. Ký ức về những ngày nghỉ gia đình này và những ấn tượng về phong cảnh ở đó, đặc biệt là ngọn hải đăng Godvry, đã được thể hiện lại trong quyển tiểu thuyết được xem là hay nhất củaVirginia vào những năm sau này, quyển To the Lighthouse (Tới ngọn hải đăng).
Trong thời gian nghiên cứu ở đại học đường King’s College Cambridge và King’s College London, bà quen biết với một số văn nghệ sĩ và trí thức cấp tiến như nhà kinh tế học John Maynard Keynes, tiểu thuyết gia - thi sĩ E. M. Forster, nhà văn chuyên viết tiểu luận và tiểu sử Lytton Strachey và nhà văn, lý thuyết gia chính trị người Anh gốc Do Thái Leonard Woolf (1880-1969), người mà bà kết hôn vào năm 1912. Họ trở thành những thành viên sáng lập của Bloomsburry Group, một nhóm các bạn bè thân hữu sống và hoạt động gần khu Bloomsburry, London, thường xuyên có những buổi họp mặt thảo luận về đủ mọi đề tài. Tác phẩm của Nhóm Bloomsburry đã có một ảnh hưởng sâu rộng tới các mặt văn chương, mỹ học, phê bình và kinh tế học, cũng như đưa ra những quan điểm hiện đại về thuyết nam nữ bình quyền, chủ nghĩa hòa bình và quan hệ tính dục.
Năm 1917, hai vợ chồng Woolfs mua lại một xưởng in thủ công nhỏ và sáng lập ấn quán Hogarth Press, xuất bản những tác phẩm của nhóm Bloomsburry, của Katherine Mansfield cũng như bản dịch các tác phẩm của Freud. Virginia Woolf sống một cuộc đời sôi động giữa bằng hữu và gia đình, viết lách và diễn thuyết ở các trường đại học. 
Cái chết của mẹ vào năm 1895 và của chị gái cùng mẹ khác cha Stella hai năm sau đó đã dẫn tới những cơn suy nhược thần kinh đầu tiên của Virginia Woolf. Và cái chết của cha bà vào năm 1914 đã khiến cho bà suy sụp hoàn toàn, phải vào bệnh viện để điều trị một thời gian ngắn. Các cơn suy nhược và những thời kỳ trầm cảm sau này cũng còn chịu ảnh hưởng bởi sự lạm dụng tình dục mà bà và Vanessa gánh chịu từ hai người anh cùng mẹ khác cha là George và Gerald Duckworth. Woolf  đã nhắc lại chuyện này trong các tiểu luận A sketch of the Past (Một phác họa về quá khứ) và 22 Hyde Park Gate (Nhà số 22 phố Hyde Park Gate). Trong suốt đời mình, Virginia Woolf luôn bị quấy rầy bởi những cơn trầm cảm và những chứng bệnh liên quan. Dù các cơn đau này thường gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội của mình, bà vẫn tiếp tục sáng tác với một vài thời kỳ gián đoạn cho tới khi qua đời do tự tử.
Sau Thế chiến thứ hai, sự chú ý đối với các tác phẩm của bà giảm đi nhiều, nhưng từ đầu thập niên 1970 - với sự bùng nổ của phong trào nữ quyền - cho tới nay, ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm cũng như bản thân cuộc sống sáng tác và hoạt động của bà. Bộ môn văn chương Anh ở tất cả các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều dành một học phần quan trọng để nghiên cứu về các tác phẩm của Virginia Woolf. Các trước tác của bà được tái bản nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng trên khắp thế giới. Hiện nay bà được đánh giá là một trong các tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đồng thời cũng là một nhân vật trọng yếu trong lịch sử văn chương Anh ngữ với tư cách một người bênh vực nữ quyền và một người theo chủ nghĩa hiện đại; một trong những người sáng lập nên trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại bao gồm T.S. Eliot, Ezra Pound, James Joice và Gertrude Stein.
Trong quãng đời ngắn ngủi và chiến đấu thường xuyên với căn bệnh thần kinh của mình, Virginia Woold đã trước tác một lượng khổng lồ các tác phẩm với đủ thể loại:  8 tiểu thuyết (The Voyage Out – 1915; Night and Day – 1919; Jacob’s Room – 1922; Mrs. Dalloway – 1925; To The Lighthouse – 1927; The Waves – 1931; The Years – 1937; Between The Acts – 1941); 14 tập tiểu luận, trong đó nổi bật nhất là A Room of One’s Own (1929) và Three Guineas (1938); sáu tập truyện ngắn; ba tập tiểu sử, trong đó nổi bật nhất là quyển Orlando: A Biography (1928), thường được xem như một tác phẩm tiểu thuyết,  lấy cảm hứng từ nhà thơ nữ Vita Sackville-West, người tình đồng tính của bà; sáu tiểu sử tự thuật và nhật ký; và một vở kịch (Freshwater: A Comedy – công diễn 1923; xuất bản 1976). Ngoài ra còn có vô số thư từ liên quan tới cuộc sống và công việc của bà đã được xuất bản bao gồm ba quyển Congenial Spirits: The Selected Letters (1993),  The Letters of Virginia Woolf 1888-1941 (sáu tập, 1975-1980) và Paper Darts: The Illustrated Letters of Virginia Woolf (1991).
Cuộc đời và sự nghiệp phong phú, phức tạp của Virginia Woolf cũng đã được nghiên cứu rộng và sâu bởi gần ba mươi tác giả khác nhau dưới hình thức các tác phẩm tiểu sử và phân tích phê bình.
Để tìm đọc cuốn sách này:
Click tại đây



0 nhận xét:

Đăng nhận xét